Review Trần tình lệnh/The Untamed (2019)

Trong mùa hè 2019 thì đây là bộ phim mình mê mệt nhất, vốn dĩ chỉ định “xem cho biết” thôi nhưng xem rồi thì cuồng luôn, mê mẩn cả diễn viên. Lướt Facebook hóng tin phim đã trở thành thú vui tiêu khiển của mình suốt cả tháng 7 và lây lan sang tận giữa tháng 8 cho tới khi hết phim. Thế nên phần nhận xét của mình có lẽ sẽ có phần dễ tính đối với phim.

Nhìn chung, mình cảm thấy phim có thể đạt 7/10 điểm, khá ổn cho một bộ phim xem giải trí. Không phải ngẫu nhiên mà một bộ phim mới đầu bị nghi ngờ và nhìn nhận tiêu cực lại có thể đảo ngược chiều dư luận thành công như vậy. Vì sao chỉ 7 điểm đã khiến mình mê mệt thì có lẽ công lớn là do bị Vương Nhất Bác hạ gục ấy mà ^^.

Nói về các ưu điểm của bộ phim, điểu đầu tiên mình muốn nhắc tới là phần bối cảnh đẹp mắt. Dù khá nhiều bối cảnh của phim là CGI nhưng ít nhất trong con mắt người rất không chuyên như mình thì khá là đẹp. Vì là phim tu tiên trừ ma nên khung cảnh sẽ có chút ảo diệu, giống như Vân Thâm Bất Tri Xứ là nơi núi cao rừng sâu không thấy đường, Liên Hoa Ổ là một vùng trời nước mênh mông, Bất Dạ Thiên vừa nhìn đã thấy hắc ám. Bối cảnh mình không hài lòng nhất là Kim Lân Đài. Không hiểu sao tổ tạo hình lại để nhà cửa nội thất của Lan Lăng Kim thị rặt một màu xanh aqua, vừa không lan quyên lắm đến màu biểu trưng của gia tộc, vừa quá hiện đại với bối cảnh cổ trang. Chẳng nhẽ lại thông qua việc sử dụng một màu dễ bị xỉn để thể hiện độ giàu của Kim thị, thừa tiền giữ đồ đạc không xỉn màu? Nếu bạn muốn tìm hiểu kĩ hơn, AvenueX có nhận xét nhiều tính chuyên môn hơn về phần nhìn của phim, chỉ ra khá nhiều vấn đề với CGI, cách chọn góc quay, khung hình và ánh sáng.

Cảnh đẹp nhất trong phim mình chọn là cảnh Ngụy Anh và Lam Trạm giao đấu trên mái nhà trong tập 3. Kết hợp cảnh đêm với trang phục phiêu dật màu trắng, CGI thêm trăng sáng mây tối và biên đạo động tác đẹp như múa tạo nên một đoạn phim rất bổ mắt, đến giờ vẫn chưa thấy cảnh nào đẹp hơn. À có cảnh Lam Trạm mặc đồ xanh lam quỳ trong tuyết cũng khá đẹp nữa.

Ưu điểm lớn nhất của bộ phim theo mình là sự hợp vai của các nhân vật. Dàn diễn viên phim có người mới có người không mới lắm nhưng nhìn chung đều không phải diễn viên xuất chúng, trừ Chu Tán Cẩm và Tiêu Chiến “cả người đều đang diễn” thì đa phần đều diễn ở mức trên trung bình, nhưng do bản thân họ có ngoại hình và khí chất tương thích với nhân vật nên gần như ít gặp tình huống bị “đơ”, tổng thể khá là ăn nhập với hình tượng nhân vật trong nguyên tác: Kim Quang Dao cả người đều mềm mại như rắn nước, mắt lúc nào cũng long lanh giục người ta thương cảm, Giang Trừng nhìn đã thấy khó ở nguyên ngày, Giang Yếm Ly vừa dịu dàng vừa nhẫn nhục, cả nhà Kim thị ai cũng toát ra vẻ phô trương, vv.

Mình ưng ý nhất về diễn xuất trong dàn diễn viên là Tiêu Chiến: ánh mắt, gương mặt, cơ thể đều rất nhập tâm, biểu đạt cảm xúc và tính cách nhân vật siêu tốt. Vương Nhất Bác diễn Lam Trạm thì có vẻ hơi đơ một chút, nhưng ngoài khả năng hạn chế cũng phải tính đến hiện thực khách quan là Lam nhị công tử trong nguyên tác đã là người mặt liệt, ít cảm xúc, cả người tỏa ra aura quy củ, thực sự quá thiếu không gian biểu hiện. Càng về sau biểu cảm bằng ánh mắt và cơ mặt của Vương Nhất Bác càng có cảm xúc và linh hoạt hơn, nhan sắc cũng vừa mắt hơn, đánh gục không biết bao nhiêu khán giả nữ =))). Mình rất thích ngôn ngữ cơ thể của Lam Trạm, lúc đánh nhau thì gọn gàng có lực mà không rối rắm, bình thường thì luôn đứng thẳng, ngồi thẳng, mặt vuông góc với đất, một tay cầm kiếm tay kia nắm lại giấu sau lưng, vừa nhìn đã thấy 3000 gia quy trói quanh thân rồi ^^.

Tại sao cái hình ảnh đầy cảm xúc như thế này lại không xuất hiện trên phim???

Kịch bản phim theo khá sát nguyên tác, có chỉnh sửa nhưng theo mình là không tránh khỏi và cũng không làm thay đổi nhiều kết cấu tổng thể chung. Suy cho cùng dù là nguyên tác hay phim thì đây vẫn là câu chuyện tiên môn trừ ma chứ không phải là chuyện yêu hận tình thù nên khá dễ xem và đáng xem với mọi đối tượng khán giả. Phim cũng hiện thực hóa một cách dễ thương nhiều chi tiết nhỏ trong truyện, tạo nên những khoảnh khắc “phì cười” khi xem. Có lẽ cũng vì vậy mà phim càng chiếu càng thu hút đông người xem, dù gần như mọi tình tiết đều biết trước cả do nguyên tác quá nổi tiếng. Nếu có chỉnh sửa nào làm mình không hài lòng thì đó là việc Lam Trạm lên làm tiên đốc ở tập cuối, không chỉ OOC mà còn lệch hẳn phong cách Lam thị. Một gia tộc khổ tu thích chui vào tận núi sâu rừng thẳm lập trụ sở lại làm lãnh đạo quần hùng quá là vô lý, thà cho Giang Trừng làm tiên đốc còn hợp lý hơn.

Nội dung phim có một điểm khác rõ rệt so với nguyên tác, mà mình cũng không biết nên xem là ưu hay nhược điểm, đó là việc khai thác triệt để các tuyến tình cảm. Cảm nhận của mình về nguyên tác là gần như chỉ có tuyến tình cảm của hai nam chính là rõ ràng, còn các nhân vật phụ chỉ dừng lại ở một chút hints để độc giả tự tưởng tượng. Thậm chí loveline của hai nam chính cũng chỉ rõ ràng ở phần sau, còn lại khá là nhẹ nhàng mờ nhạt. Nhưng khi lên phim, xuồng ba lá cũng thành chiến hạm, mọi cặp đôi “có khả năng” đều được đưa ra trước mắt khán giả, thậm chí những cặp không có khả năng nhất cũng có thể có chút “moments”. Ví dụ điển hình nhất là nam 1 Ngụy Anh: là một người đã đọc nguyên tác và không phải lần đầu xem đam, mình thấy trừ Lam Trạm Ngụy Anh còn có hints với tất cả các nhân vật nữ, nhiều nhất là với Ôn Tình, kèm thêm cả Giang Trừng và Nhiếp Hoài Tang. Suy cho cùng việc tăng thêm cp hints, nhất là của các cặp nam-nam là điểm đánh trúng tâm lý khán giả mục tiêu của bộ phim, càng làm nó thêm hot. Trấn Hồn là một ví dụ điển hình cho thấy chỉ cần chemistry tốt đã có thể phần nào bù đắp được lỗi sản xuất, biên kịch rồi.

Nói về ưu điểm nhiều rồi giờ mình sẽ chuyển sang nhược điểm của phim.

Nhược điểm rõ ràng nhất là lạm dụng slow motion và zoom cận mặt diễn viên. Như mình nói ở trên, dàn diễn viên của phim diễn xuất không phải quá xuất chúng nên zoom mặt quá nhiều sẽ dễ lộ nhược điểm diễn xuất. Ví dụ điển hình nhất chính là Lam Trạm. Vì là nam hai nên trong mọi cảnh đôi, cứ có Ngụy Anh thì nhất định máy quay sẽ chiếu vào Lam Trạm, trong khi bản thân nhân vật mặt liệt lại không có lời thoại, zoom vào để làm gì? Thế nên Vương Nhất Bác hay bị chê đơ một phần lớn là do zoom cận cảnh quá đà. Ngoài ra nó cũng làm lộ các điểm yếu về chất lượng hậu kì, khiến diễn biến phim đôi khi không mượt, tạo cảm giác các nhân vật kết hợp với nhau thiếu nhịp nhàng, ai làm phần của người đó trong kịch bản chứ không phải nhân vật đang phản ứng với nhau trong bối cảnh phim. Cảnh điển hình cho nhược điểm này với mình là phần quay đặc tả Giang Trùng khi Ngụy Anh nhảy vực (tập 1tập 33) và cảnh Ngụy Anh Lam Trạm bị vây đuổi ở Kim Lân Đài (tập 42), vừa thừa thãi làm loãng cảm xúc của khán giả vừa phi logic bởi mọi nhân vật quần chúng đều bất động nhường sân khấu cho các nhân vật chính tâm sự.

Lam Vong Cơ không phải lúc nào cũng bày ra vẻ mặt dễ thương như thế này
mà máy quay cứ zoom vào suốt thì tìm đâu ra biểu cảm?

Nhược điểm thứ hai của phim là phần biên đạo võ thuật quá chú trọng bề ngoài. Võ thuật như múa là vấn đề chung không của riêng bộ phim nào, bởi vì khi lên phim hiệu quả hình ảnh rất quan trọng. Cộng thêm bối cảnh tiên môn thế gia thì việc các động tác đánh võ cho “đẹp là chính” hoàn toàn chấp nhận được. Tuy nhiên một số cảnh đâm có góc độ khá “sai”, như cảnh Kim Lăng đâm Ngụy Anh (tập 42) hay đâm khá thiếu lực, lưỡi kiếm dường như mới chạm vào da nạn nhân nên tạo cảm giác rất giả, điển hình là cảnh Tổng Lam đâm Tiết Dương (tập 39). Mình đoán có thể đoàn phim không sử dụng kiếm thu ngắn chuyên dụng để quay các cảnh này nên diễn viên chỉ có thể lựa góc nghiêng hoặc đâm sương sương vào áo bạn diễn khi quay, nhưng dù gì lên hình vẫn thiếu hiệu quả. Hay một điển hình của việc quá chú trọng phần nhìn trong biên đạo võ thuật là cảnh Lam đại đâm Kim Quang Dao (tập 49), sở dĩ Nhiếp Hoài Tang đắc thủ được là do Lam Hi Thần ra tay quá nhanh, không kịp nhìn rõ, nhưng trong phim, từ lúc Nhiếp ảnh đế kêu lên, Lam đại ca giật mình, vớ lấy kiếm, rút kiếm ra, xoay một vòng rồi mới đâm, quá quá quá lâu, chỉ một động tác thừa thôi là đã đủ thời gian cho Kim Quang Dao kêu lên và Lam đại thu tay rồi, đằng này lại liên tiếp nhiều động tác thừa như thế ☹.

U mê mấy cái clip này nên thêm vào thôi ^^

Một nhược điểm nữa là đôi khi phim lộ ra những chi tiết cẩu thả, ví dụ như nhiều cảnh lộ quần đùi của diễn viên nam, các đồ vật thừa thãi lọt vào ống kính hay lộ mặt diễn viên thế thân. Nhưng điểm thiếu chu đáo nhất là phần ghép nhạc cho các phân cảnh có nhạc. Phim có rất nhiều đoạn chơi cổ cầm và thổi sáo, nhưng không phải cảnh nào cũng tốt. Đương nhiên việc nhà sản xuất tận dụng OST cho các phân cảnh này là hoàn toàn chấp nhận được, nhưng âm thanh của cổ cầm và sáo không thể giống âm thanh của OST bản full, nên đôi chỗ diễn viên mới gảy có một dây đàn hay mới chạm môi vào sáo mà OST đã vang lên tầng tầng lớp lớp thì cảm giác khá là “sai”. Đương nhiên không phải cảnh nào cũng bị lệch nhịp như thế nhưng đến một người chẳng biết gì về âm nhạc như mình đôi khi còn thấy “sai sai” thì những khán giả khó tính hơn chắc chắn sẽ không hài lòng. Đáng tiếc là một bộ phim được sản xuất khá công phu lại có những góc cạnh thiếu chu đáo thế này. Bù lại trong phim này các nhân vật chơi cổ cầm khá thật, ít khi mắc lỗi “vừa nhìn đã biết đang làm màu” như nhiều phim cổ trang khác.

Ban đầu mình cảm thấy kịch bản phim quá chú trọng giai đoạn quá khứ, dành hơi ít thời lượng cho phần hiện tại, nhưng đến nay mình lại cảm thấy phân bổ thời lượng như vậy khá hợp lý. Một phần là quá khứ có rất nhiều sự kiện, một phần là hiện tại có khá nhiều đoạn đặc tả tình cảm của hai nam chính chắc chắn không thể đưa vào phim. Đến giờ thì phân bổ thời gian của phim khá hợp lý đối với mình. Trong số những chi tiết bị cắt bỏ khỏi nguyên tác, mình tiếc nhất là phần sau trận chiến Loạn Táng Cương. Nguyên tác khá nhấn mạnh vào trang phục lộn xộn, đầy máu me của Lam Trạm sau khi cùng Ngụy Anh giết cương thi, qua đó giúp Ngụy Anh ý thức được tình cảm của Lam Trạm, nhưng phim không chỉ cắt ngắn nội dung phần này khiến nhiệm vụ giết cương thi cửu tử nhất sinh trở thành nhấc tay chi lao mà còn giữ Lam Trạm trắng bong sạch sẽ (tập 45), thật không giống với phong cách tỉ mỉ bám sát nguyên tác khi xử lý các moments khác của 2 nam chính.

Cuối cùng, dù biết cái kết rất hợp lý nhưng mình không thích như vậy lắm, kiểu như vì chẳng biết nên kết thế nào nên viết kiểu OE thiên HE. Đương nhiên mình hiểu biên kịch cũng khó chọn một phương án kết khác, SE thì chắc sẽ bị fan phim chửi chết, không cẩn thận công sức làm cả bộ phim đổ sông đổ bể, HE cho một cặp nam-nam thì khá khó qua kiểm duyệt. Có chăng một kết thúc xứng đáng hơn là một phần ngoại truyện khi Di Lăng lão tổ được mời làm giảng viên thỉnh giảng một Phòng chống Nghệ thuật Hắc ám tại Cô Tô Lam thị =))

Tóm lại nếu không quá khó tính thì đây là một bộ phim khá ổn để xem. Cũng phải nói thêm, không liên quan lắm đến chất lượng phim, công tác marketing được làm rất tốt, bài bản và ăn rơ nhịp nhàng với tiến độ phát sóng, hoàn toàn chiếm được sự chú ý của người xem. Vì không biết tiếng Trung nên mình không trực tiếp chứng kiến công tác marketing của Đằng Tấn cho phim, nhưng chỉ theo dõi Facebook của fan phim thôi cũng thấy nhà sản xuất rất chú trọng khâu tuyên truyền, tuyên truyền rất hiệu quả và đánh trúng tâm lý người xem. Không hổ là phim hot nhất hè của Đằng Tấn.

1 Comments

Bình luận về bài viết này

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.